Chào bác sỹ, Em luôn muốn có một hàm răng tốt, không bị sâu răng. Ngoài đánh răng thường xuyên ra, em không biết có phải áp dụng những phương pháp chăm sóc răng miệng nào khác nữa không? Nhờ bác sỹ tư vấn giùm em. Em xin chân thành cám ơn!
Ngọc Hà – TP HCM
Chào em, Chăm sóc SKRM cũng như việc điều trị bệnh răng miệng phải nhằm bảo đảm ba yêu cầu: chức năng, thẩm mỹ, dự phòng. Ba yêu cầu này phải hài hòa và bổ sung cho nhau, nhưng yêu cầu chức năng là quan trọng nhất. Không nên vì muốn chỉnh hình vị trí một răng đẹp, trám thẩm mỹ một răng đẹp mà quên đi khớp cắn hai hàm, tình trạng mô nha chu,... mà làm mất chức năng của răng.
Miệng là cửa ngõ đầu tiên của hệ tiêu hóa, là nơi vi trùng xâm nhập nhanh nhất vào cơ thể, nơi đó có nhiều yếu tố tạo môi trường cho vi khuẩn trú ẩn và phát triển làm phát sinh rất nhiều bệnh tật - không chỉ là những bệnh về răng miệng: viêm nướu, viêm nha chu, nhiễm trùng răng, nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, tim mạch,… Em nên bắt đầu việc chăm sóc SKRM bằng việc kiểm soát vệ sinh răng miệng thật tốt: đánh răng tối thiểu ngày hai lần vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Hoặc tốt nhất là chải răng buổi sáng lúc thức dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Đánh răng, chải răng có thể làm mất đi những mảng thức ăn bám quanh răng và các loại vi khuẩn gây sâu răng, làm cho hơi thở không có mùi. Để có hàm răng khỏe đẹp, cần chải răng thường xuyên, đúng cách, đều đặn hằng ngày. Tuy nhiên, có khá nhiều mảng bám thức ăn `cứng đầu` không chịu khuất phục bởi bàn chải đánh răng. Lâu ngày, những mảng bám này bị canxi hóa tạo nên vôi răng bám dính trên bề mặt răng hoặc giữa răng với nướu. Vôi răng đe dọa nghiêm trọng tới SKRM vì có thể là nguyên nhân gây ra viêm nướu, viêm nha chu.
Vì vậy, ngoài việc đánh răng đều đặn hàng ngày, em phải hình thành thói quen đi lấy vôi răng tại phòng nha mỗi 6 tháng một lần. Trong quá trình lấy vôi răng, nha sĩ sẽ kiểm soát loại bỏ hết các ổ vi khuẩn, đồng thời trám phòng ngừa lại tất cả răng sâu (nếu có).
Khi em bị mất một hay nhiều răng, em phải được trồng lại những đơn vị răng bị mất. Điều này là chỉ định bắt buộc và đặc biệt quan trọng vì nếu không được trồng lại sớm, tất cả các răng còn lại trên cung hàm sẽ bị xáo trộn, xô lệch, dẫn đến các điểm tiếp xúc giữa các răng không tốt sẽ dẫn đến tình trạng bị nhồi nhét thức ăn vào kẽ răng, gây ra viêm nha chu và những bệnh lý khác về răng.
Chúc em luôn có một chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt!
Thân chào em,
Ths. Bs Nguyễn Bá Lân
Ths. Bs Nguyễn Bá Lân