Phòng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Chăm sóc trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ

Ở lứa tuổi này, trẻ từ khi được bú mẹ đến lúc cai sữa mẹ và ăn bữa ăn của người lớn ở các nước thường có tỉ lệ suy dinh dưỡng khá cao kể cả Việt Nam nếu trẻ không được chăm sóc tốt. Mô hình bệnh tật ở tuổi nhà trẻ chủ yếu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường ruột như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp và một số bệnh lây truyền khác thường gặp.

Lứa tuổi này chủ yếu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường ruột, viêm đường hô hấp...

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, các nhà khoa học vận động việc nuôi con bằng sữa mẹ, khuyến cáo nên cho trẻ bú kéo dài ít nhất trong thời gian từ 18 - 24 tháng tuổi; hướng dẫn cho bà mẹ cách dùng thức ăn bổ sung đúng đối với trẻ, đồng thời vận động nhà nước và các tổ chức xã hội cung cấp thêm thực phẩm bổ sung khẩu phần thức ăn cho trẻ. Đồng thời ngành Y tế cần hướng dẫn mạng lưới nhi khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em theo dõi cân nặng của trẻ để sớm phát hiện các trường hợp suy dinh dưỡng trên biểu đồ cân nặng. Với phương pháp này, trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi 3 tuổi cần lập bảng theo dõi phát triển cân nặng theo quy định: trong năm đầu tiên phải cân trẻ hàng tháng, từ năm thứ hai cân mỗi quý một lần, từ năm thứ ba cân mỗi sáu tháng một lần; khi trẻ lên 4 - 5 tuổi mỗi năm chỉ cần cân một lần. Các nhà khoa học cho rằng 3 năm đầu là thời gian trẻ tiếp tục phát triển lớn nhanh, hoàn thiện các cơ quan bộ máy trong cơ thể, tăng trưởng khoảng 50% chiều cao vĩnh viễn, phát triển hoàn chỉnh tế bào thần kinh trung ương. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy và viêm phổi nhiều lần hoặc mắc các bệnh lây truyền khác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng. Lưu ý ở lứa tuổi nhà trẻ, trẻ nhỏ rất dễ có nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong do suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn, nhất là bị viêm phổi, tiêu chảy, mắc bệnh sởi... Trong lứa tuổi này, ngoài việc hướng dẫn cho người mẹ nuôi con đúng phương pháp, cần phải theo dõi cân nặng để đề phòng suy dinh dưỡng; nhân viên y tế cơ sở nên hướng dẫn cho người mẹ biết cách xử lý đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, điều trị bù dịch bằng đường uống tại nhà; biết theo dõi nhiệt độ, nhịp thở của con bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Bữa ăn của trẻ từ 1 - 3 tuổi cần thực hiện 4 bữa mỗi ngày, ăn theo kiểu cháo thập cẩm và cơm nát, thức ăn cần nấu nhừ dạng canh, cho ăn thêm hoa quả hàng ngày. Chú ý không nên cai sữa mẹ sớm, nhất là khi trẻ bị ốm, mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Các bệnh giun sán, ngoài da, tai mũi họng, răng miệng thường chiếm tỉ lệ khoảng 90%

Bệnh còi xương ở nhóm tuổi nhà trẻ cũng thường gặp, theo các nhà khoa học bệnh này chiếm tỉ lệ cao khoảng từ 25 - 30% số trẻ em tại nước ta. Với một quốc gia quanh năm có ánh sáng mặt trời nhưng một số người mẹ chưa có tập quán cho trẻ ra ngoài trời sưởi nắng để có thể tiếp nhận nguồn vitamin D tự nhiên. Nếu bị mắc bệnh còi xương, trẻ sẽ chậm lớn, chậm biết đi, chậm mọc răng; khi còi xương nặng trẻ sẽ bị biến dạng đôi chân thành vòng kiềng, có hình chữ X, lồng ngực bị dô ra như ức của con gà. Để phòng ngừa bệnh còi xương, mỗi ngày cần cho trẻ ra chơi ngoài trời khoảng 30 phút, không mặc quần áo che kín người. Ánh sáng mặt trời phải trực tiếp tác dụng trên da của trẻ mới có thể chuyển hóa được tiền vitamin D thành vitamin D để sử dụng. Ngoài ra mỗi ngày có thể cho trẻ uống 1 viên vitamin D liều dưới 500 đơn vị, với liều này có thể dùng lâu dài hàng ngày nhưng không được cho liều cao hơn.

Trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi 3 tuổi cần lập bảng theo dõi phát triển cân nặng

Bệnh khô mắt ở trẻ trước 3 tuổi cũng được ghi nhận do thiếu vitamin A, do tập quán kiêng khem của người mẹ, do bữa ăn của con thiếu chất dinh dưỡng; đồng thời có thể do trẻ không được bú sữa mẹ, do trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Nếu trẻ có biểu hiện sợ ánh sáng, hay nhắm mắt, quáng gà; cần phải cho trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị ngay. Lưu ý nếu thiếu vitamin A cấp tính, trẻ có thể bị mù rất nhanh trong vòng vài ba ngày hoặc mù vĩnh viễn không cứu chữa được. Vì vậy phải thực hiện việc phòng bệnh chủ động với biện pháp cho trẻ bú sữa mẹ, ăn sam có trứng, rau xanh màu xanh thẫm, bữa ăn có đủ dầu mỡ... thì trẻ sẽ không bao giờ bị thiếu vitamin A. Khi trẻ được 2 tháng tuổi nên cho uống nửa viên nang vitamin A tương ứng với 100.000 đơn vị quốc tế, sau đó tiếp tục cho uống mỗi 6 tháng một lần; nếu trẻ trên 1 tuổi uống một lần cả viên nang tương ứng với 200.000 đơn vị quốc tế.

Mỗi ngày cần cho trẻ ra chơi ngoài trời khoảng 30 phút

Theo dõi và kích thích sự phát triển bình thường của trẻ

Trong tháng đầu tiên của cuộc đời, trẻ ở trạng thái ức chế và thường ngủ nhiều, chỉ khóc khi bị đói hay rét hoặc khó chịu trong người. Vì vậy, khi trẻ khóc, người mẹ nên cho con bú; lúc cho con bú cần xem tả lót, nếu bị ướt do nước tiểu thì phải thay ngay tả khô. Người mẹ cần nằm với con để thuận tiện trong việc chăm sóc trẻ, ủ ấm cho trẻ trong mùa đông lạnh và tránh để trẻ bị rét. Về mùa hè, trẻ có thể bị nóng nên cho trẻ tắm mỗi ngày một lần. Lúc trẻ được đầy tháng tuổi, cần bế trẻ ra ngoài trời ở chỗ thoáng mát, có ánh nắng mặt trời để phòng bệnh còi xương. Nếu 1 tháng tuổi mà trẻ biết nhìn ánh sáng đèn, hóng chuyện, ngẩng đầu thì đó là dấu hiệu bình thường. Ngược lại nếu trẻ ngủ suốt ngày, đói không biết khóc, đi tiểu ướt tả không biết kêu, bị vàng da trên 1 tuần, hay bị táo bón, chậm lớn, kém tinh nhanh... cần cho trẻ đi khám bác sĩ để sớm tìm ra bệnh lý và điều trị kịp thời. Theo các nhà khoa học, những trẻ phát triển bình thường có một số đặc điểm như: 3 tháng bắt đầu lẫy, 4 tháng có thể bò, 6 tháng bắt đầu ngồi, 8 - 10 tháng có thể chập chững, 11 - 12 tháng đã biết đi. Những phản xạ biết lạ, biết quen, biết nhận ra người mẹ, nói chuyện bi bô... có khi bắt đầu phát triển rất sớm nhưng cũng có khi phát triển chậm tùy thuộc ở điều kiện giáo dục, tiếp xúc thường xuyên với trẻ.

Chú ý răng sữa thường mọc vào lúc trẻ được 6 - 7 tháng tuổi. Việc mọc răng và thay răng vĩnh viễn thường xảy ra khi trẻ được 6 - 7 tuổi. Nếu răng mọc chậm hơn là phát triển muộn hoặc trẻ có thể bị bệnh còi xương hay mắc các bệnh khác. Lúc lớn lên được từ 3 - 5 tuổi, trẻ hay tìm hiểu sự vật ở chung quanh, hay bắt chước người lớn, thích hoạt động độc lập. Người lớn nên trả lời rõ ràng những câu hỏi của trẻ, không nên nói chớt hoặc nói ngọng vì trẻ dễ bắt chước theo. Hướng dẫn và khuyến khích trẻ tự rửa mặt, lau mặt, lau tay, cởi thắt giải rút quần, đi tất, đi dép; không nên làm thay cho trẻ khi trẻ thích làm mà chỉ nên để ý theo dõi và hướng dẫn cho trẻ.

Người mẹ cần có sự hiểu biết về chăm sóc trẻ và biện pháp phòng tránh

Phòng những bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Trẻ dưới 5 tuổi thường mắc một số bệnh lý hay gặp như suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp; các bệnh giun sán, ngoài da, tai mũi họng, răng miệng, mắt, còi xương...

Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ thường gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu chất protein và năng lượng, bị tiêu chảy cấp tính hoặc kéo dài vì thức ăn không thích hợp nên không hấp thụ được; bị nhiễm vi khuẩn, virút có liên quan đến điều kiện vệ sinh môi trường, khả năng kinh tế, chỗ ở, tập quán sinh hoạt...

Bệnh đường hô hấp của trẻ hay xảy ra ở đường hô hấp trên hay dưới do trẻ bị rét, bị yếu vì khả năng bảo vệ miễn dịch kém. Đồng thời có thể bị nhiễm vi khuẩn, virút được lây lan từ trẻ khác hoặc từ người lớn... Khi trẻ bị sốt và ho, người mẹ cần đếm nhịp thở; nếu trẻ thở dưới 40 lần/phút, có thể sử dụng thuốc hạ sốt và theo dõi tại nhà; nếu trẻ thở nhanh trên 50 lần/phút, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Các bệnh giun sán, ngoài da, tai mũi họng, răng miệng thường chiếm tỉ lệ khoảng 90% các trường hợp bệnh ở trẻ em. Tuy nhiên phần lớn các bệnh này có thể phòng ngừa và chữa trị được với điều kiện người mẹ có sự hiểu biết cần thiết về chăm sóc trẻ và biện pháp phòng tránh như phát hiện trẻ bị ngừng phát triển cân nặng thì phải tìm ngay nguyên nhân để khắc phục kịp thời, không để trẻ trở thành suy dinh dưỡng. Trẻ cần được súc miệng, đánh răng, tắm rửa hàng ngày; không để cho trẻ lê la trên đất cát, nền nhà... nhất là về mùa hè; tránh nhiễm trùng da, lây nhiễm các loại giun sán.

Bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ được xử trí bằng cách cho uống bù nước và điện giải ngay bằng dung dịch oresol hoặc nước cháo gạo, nước dừa non. Đồng thời cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu, không để trẻ nhịn ăn. Trong những trường hợp bệnh tiêu chảy cấp tính có diễn biến nặng hơn và xấu đi, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế thuận tiện để được khám và xử trí can thiệp phù hợp.

Bệnh về mắt cũng như bệnh về tai mũi họng ở trẻ cần được phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để tránh bị đau mắt đỏ, mắt hột, viêm mũi, viêm họng, viêm tai vì những bệnh này thường hay gặp ở trẻ. Nếu bị mắc các bệnh này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển lớn lên của trẻ và vừa có thể gây ra các biến chứng trầm trọng khác như viêm cầu thận, thấp tim...

Bệnh còi xương của trẻ ở nước ta hoàn toàn có thể phòng tránh được vì quanh năm đều có đủ ánh nắng mặt trời tại các vùng nếu biết thực hiện đúng phương pháp quy định.

Ngoài ra, những thói quen và tật xấu của người lớn cũng rất có hại làm ảnh hưởng đến trẻ như ăn uống không điều độ, hút thuốc lá ở những nơi có nhiều trẻ em, đánh mắng trẻ thô bạo... Những thói quen, tật xấu này có tác động đến sức khỏe, thể lực và tâm thần của trẻ trước mắt và có thể để lại hậu quả lâu dài suốt cuộc đời của trẻ. Một vấn đề phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ vì một số loại kháng sinh như thuốc tetracycline có thể tiêu hủy mầm răng của trẻ, làm răng không mọc được vĩnh viễn hoặc gây vàng răng, sún răng; thuốc streptomycine có thể làm trẻ bị điếc suốt đời, thuốc prednisolone dùng nhiều dễ làm trẻ loãng xương, béo phì và nguy hiểm nhất là che dấu các triệu chứng nhiễm khuẩn trong cơ thể, ức chế khả năng miễn dịch của trẻ. Lưu ý các loại kháng sinh khác đều có khả năng gây độc hại, dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ hoặc làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Vì vậy nên cho trẻ dùng thuốc kháng sinh hết sức hạn chế, không được tùy tiện, chỉ khi nào bác sĩ cho đơn thuốc mới được sử dụng kháng sinh

Lời khuyên của thầy thuốcViệc chăm sóc sức khỏe của trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi được 5 tuổi là một vấn đề khá quan trọng đối với y học dự phòng và cũng là vấn đề đặc biệt đối với chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Mặc dù giai đoạn phát triển trong 5 năm đầu đời này của trẻ với thời gian ngắn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến toàn bộ sự trưởng thành của một con người nên việc chăm sóc, theo dõi và kích thích sự phát triển, phát hiện và xử trí kịp thời những bệnh lý thường gặp rất cần thiết. Vì vậy vấn đề này cần phải được mọi người quan tâm, đặc biệt là các bậc cha mẹ và những người lớn có trách nhiệm đối với trẻ.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Xử trí u nguyên bào thận ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây ra bệnh còn chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sinh học phân tử đều thống nhất rằng ung thư bắt đầu khi các tế bào xuất hiện lỗi trong DNA của nó. Các lỗi này làm cho tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát được và tăng cường tuổi thọ đồng thời tiêu diệt các tế bào lành khác. Các tế bào tích tụ lại với nhau tạo thành một khối u. Trong khối u Wilms, quá trình này xảy ra trong các tế bào thận.

Yếu tố di truyền chỉ bắt gặp trong một số ít các trường hợp. Trong hầu hết trường hợp, không có sự liên hệ giữa cha mẹ và con có thể dẫn đến ung thư. Thay vào đó, một điều gì đó đã xảy ra trong giai đoạn sớm của sự phát triển, gây ra lỗi trong DNA và dẫn đến khối u Wilms.

Tổn thương thận trong bệnh Wilms.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u Wilms bao gồm:

Nữ giới: trẻ gái có nhiều khả năng phát triển khối u Wilms hơn trẻ trai.

Da đen: trẻ em da đen có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất trong khi trẻ em gốc châu Á có tỉ lệ rủi ro thấp hơn so với trẻ em thuộc các chủng tộc khác.

Tiền sử gia đình: nếu ai đó trong gia đình đã có khối u Wilms, thế hệ sau nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Khối u Wilms hay gặp hơn ở trẻ em có một số bất thường bẩm sinh, bao gồm: Aniridia (không có mống mắt), Hemihypertrophy (phì đại nửa người), ẩn tinh hoàn (tinh hoàn không xuống bìu), hoặc lỗ đái thấp.

Hội chứng WAGR: Hội chứng này bao gồm u Wilms (W), không có mống mắt (A), bất thường của bộ phận sinh dục - tiết niệu (Genitourinary anomalies) và chậm phát triển trí tuệ (Retardation).

Hội chứng Denys-Drash: Hội chứng này bao gồm u Wilms, bệnh thận và lưỡng giới giả nam (pseudohermaphroditism-trong đó một cậu bé được sinh ra có tinh hoàn nhưng có đặc điểm sinh dục thứ phát là của nữ).

Hội chứng Beckwith-Wiedemann. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm thoát vị rốn, lưỡi lớn (macroglossia) và tăng kích thước các cơ quan nội tạng.

Phát hiện bệnh

Bệnh có thể tiến triển âm thầm mà không có triệu chứng gì cho đến khi tình cờ phát hiện. Vì vậy, trẻ em có khối u Wilms có thể tương đối khỏe mạnh.

Một số triệu chứng có thể gặp do sự phát triển của khối u như: bụng to, đau bụng, sốt, đái ra máu. Tuy nhiên, các triệu chứng này là không đặc hiệu và có thể gặp ở rất nhiều bệnh lý khác. Gia đình cần thận trọng, đưa trẻ đi khám khi có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Khối u Wilms đa số gặp ở một thận, trường hợp ở hai thận khá hiếm và thường là ở giai đoạn muộn của bệnh.

Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): đều có thể phát hiện ra bệnh ở đại đa số các trường hợp.

Khi phát hiện ra khối u thận, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sinh thiết khối u dưới hướng dẫn của siêu âm hay CT. Kết quả được gửi đến BS chuyên khoa giải phẫu bệnh và có thể xác định được loại u, mức độ ác tính…

Việc xác định giai đoạn bệnh rất quan trọng, từ đó có thể xác định các phương án điều trị. Cơ sở của việc chẩn đoán giai đoạn u đó là dựa trên kết quả chụp Xquang, CT Scanner ngực, MRI ngực và quét xương để xác định xem ung thư còn đang khu trú hay đã lan tràn ra ngoài thận.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tiêu chuẩn điều trị u Wilms là phẫu thuật và hóa trị. Cơ sở điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và bản chất mô học của khối u. Có 2 loại mô học của khối u là loại thuận lợi và loại không thuận lợi. Trẻ có khối u có mô học thuận lợi có tỷ lệ sống cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trẻ với mô học không thuận lợi cũng có kết quả tốt.

Bởi vì đây là loại ung thư này hiếm gặp, bố mẹ trẻ nên đưa trẻ đến khám và điều trị tại các trung tâm phẫu thuật và điều trị bổ trợ có kinh nghiệm.

ThS.BS. Trần Đức Tâm

6 dấu hiệu chỉ điểm bệnh ở lợi

Chảy máu

Nếu tình cờ phát hiện có máu trong và sau khi đánh răng hoặc sau khi ăn, bạn cần cảnh giác. Chảy máu lợi không rõ nguyên nhân phần lớn đều báo hiệu bệnh ở lợi và không nên bỏ qua vì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của một số bệnh nguy hiểm hơn.

Đỏ và sưng lợi

Nhiễm trùng quanh răng khiến lợi sưng và mềm. Tình trạng này có thể gây đau dữ dội và khó chịu. Lợi đỏ, sưng là dấu hiệu của bệnh lợi.

Răng nhạy cảm

Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới khi răng bắt đầu bị nhạy cảm là do sâu răng và bạn cần tránh những thực phẩm làm cho tình trạng nhạy cảm này trầm trọng hơn. Nhưng rất có thể răng nhạy cảm là do bệnh lợi chứ không phải do sâu răng và cần được chăm sóc nhiều hơn là chỉ tránh dùng một số loại thực phẩm và đồ uống.

Hôi miệng

Nói chung, những người bị hôi miệng thường tránh những thực phẩm đặc biệt mà họ cho là nguyên nhân khiến hơi thở hôi. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể do sự xuất hiện của cao răng, vi khuẩn và những hạt thức ăn đang phân hủy trong miệng gây bệnh nướu.

Tụt lợi và lộ chân răng

Một dấu hiệu rõ rệt của bệnh nha chu là tụt lợi, dẫn tới lộ chân răng. Đây là do nhiễm trùng lợi vì vi khuẩn phá hủy các mô lợi. Ngoài ra, tụt lợi khiến răng trông như dài hơn. Nếu bạn thấy răng đột ngột trông dài hơn, đó có thể là dấu hiệu bệnh lợi và không nên bỏ qua.

Răng lung lay

Tiêu huỷ mô xương và lợi do bệnh nha chu khiến răng lung lay. Vì mô bị tổn hại, dễ làm răng bị lung lay. Và khoảng cách giữa các răng lớn do răng lung lay.

Nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bước đầu tiên là cần đổi sang loại kem đánh răng có tác dụng bảo vệ lợi với kẽm citrate. Kẽm citrate bảo vệ lợi và giúp giảm chảy máu lợi.

BS. Tuyết Mai (Theo Timesofindia)

8 cách phòng ngừa ung thư ở trẻ em

Tại Mỹ, mỗi năm ghi nhận hơn 9000 trẻ em bị ung thư (tức là cứ 450 trẻ có 1 trẻ mắc ung thư). Phổ biến nhất trong các loại ung thư trẻ mắc phải là các bệnh bạch cầu, lymphoma, u não... , tuy nhiên mỗi bệnh lại có nhiều loại khác nhau.

Ung thư thuộc một trong 100 nhóm bệnh gây ra do nguyên nhân các tế bào ác tính trong cơ thể. Ung thư được tách ra thành các loại khác nhau tùy thuộc vào loại tế bào đó có nguồn gốc từ (máu, não, phổi ...), nếu nó xâm chiếm bộ phận cơ thể tạo ra khối u hoặc lây lan đến các cơ quan khác (di căn). Các chuyên gia ung thư trẻ em cho rằng nguyên nhân gây ung thư ở trẻ nhỏ hiện thiên về xu hướng sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và tác động của môi trường. Đó là do gen, những biến đổi di truyền học trong gen của đứa trẻ sinh ra các bệnh ung thư. Tuy nhiên người ta cũng không phủ nhận lối sống và môi trường cũng tác động tới tăng nguy cơ ung thư ở trẻ. Những tác động đó không chỉ là những tiếp xúc của trẻ em trong thời thơ ấu, mà cả những giai đoạn trưởng thành. Điều này một phần do sự giáo dục của cha mẹ, họ có dạy bảo những đứa con của mình phòng tránh những nguy cơ gây ung thư hay không.

Vậy ung thư trẻ em có phòng chống được không và cần phải làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ nhỏ:

Khói thuốc lá

Việc đầu tiên cha mẹ có thể làm để bảo vệ sức khỏe của trẻ là không hút thuốc lá và không cho phép bất cứ ai hút thuốc đến gần con em mình. Thực tế, có 4/5 bệnh ung thư có nguyên nhân do thuốc lá, các chất độc trong khói thuốc tác động tới DNA của các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc 14 loại ung thư khác nhau như phổi, bệnh bạch cầu, vòm họng, gan, thận ... Nói cách khác, khói thuốc làm tăng nguy cơ ung thư tới 25%.

Khói ở cuối mỗi điếu thuốc còn nguy hiểm hơn bởi nó có gấp 3 lần carbon monoxide (chất độc hại cho tim, phổi và mạch máu), 10 lần chất nitrosamine và hàng trăm lần khói amoniac. Nếu bạn hút thuốc, nguy cơ con của bạn trở thành một người nghiện thuốc tăng gấp 25 lần. Đây chính là lý do bạn nên bỏ thuốc nếu muốn đem lại sức khỏe tốt nhất cho một đứa trẻ.

Ánh nắng

Bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời là cách để phòng tránh bệnh ung thư da. Sử dụng kem chống nắng là biện pháp hữu hiệu phòng tránh các tia tử ngoại có hại cho da. Vào những ngày nắng nóng, không để trẻ chơi ngoài trời nắng, có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Cần đội mũ, đeo kính cho trẻ khi đi ra ngoài nắng.

Mất cân bằng trong chế độ ăn

Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều chất xơ, trái cây và rau quả là biện pháp tốt nhất để phòng tránh ung thư. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thịt chế biến, thịt đỏ nhiều muối. Khi ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể bạn loại bỏ các hóa chất độc hại, ngăn ngừa và sửa chữa các tổn thương của DNA, ngăn chặn sự tích tụ của các hóa chất gây ung thư. Các nhà khoa học đã chứng minh chế ăn uống không khoa học có liên quan tới các bệnh như ung thư vú, miệng, thực quản ....

Không tập thể dục

Tập thể dục là một biện pháp giúp ổn định lượng hormone như estrogen và insulin có liên quan đến ung thư. Lối sống năng hoạt động sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, ruột, và tử cung.

Thừa cân béo phì

Đây là nguyên nhân dẫn tới ung thư vú, thực quản, ruột, ung thư gan, thận, tuyến tụy và ung thư tử cung.... Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối, khỏe mạnh làm giảm khả năng các mô mỡ tác động đến sự tăng trưởng của các tế bào, giảm nguy cơ ung thư. Do vậy béo phì thường liên quan tới ung thư.

Tiếp xúc với hóa chất

Các loại hóa chất, thuốc trừ sâu là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư trẻ em. Theo một nghiên cứu, nếu trẻ con sớm tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ ung thư máu lên 47%. Cha mẹ hoặc người lớn cần mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất này, tránh mang những hóa chất này về nhà có trẻ em. Những hóa chất cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe của trẻ là asen, benzen, amiăng .... Đây là những hóa chất dùng trong công nghiệp, thường thấy xuất hiện trong những đồ dùng trong nhà như các loại chất tẩy rửa, sơn .... Nên cách ly trẻ với những hóa chất độc hại này.

Đồ uống có cồn

Rượu làm ảnh hưởng đến mức độ hormon, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở người lớn. Nếu cha mẹ sử dụng rượu, đặc biệt thời kỳ mang thai, có nguy cơ con cái họ cũng nghiện rượu sau này. Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, miệng, vòm họng và đường ruột.

Các bệnh nhiễm trùng

Những loại bệnh nhiễm trùng như viêm gan b, viêm gan C nếu cha mẹ mắc phải, cần phải tiêm phòng đầy đủ cho trẻ ngay từ lúc mới sinh bởi nếu không nguy cơ những đứa trẻ có nguy cơ mắc ung thư gan sau này.

Theo thống kê, virus HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, hiện đã có vaccin phòng ngừa, trẻ em gái nên được tiêm vaccin phòng bệnh khi 11-12 tuổi. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vaccin HPV đã giảm 2/3 nguy cơ nhiễm HPV ở trẻ vị thành niên.

Những nguy cơ ung thư ở trẻ em thường khó kiểm soát nhất là khi còn là một bào thai và ở tuổi vị thành niên – lúc cơ thể đang phát triển nhanh và có nhiều thay đổi. Do đó những biện pháp phòng ngừa trên đây sẽ giúp cha mẹ bảo vệ được con em mình khỏi căn bệnh ung thư.

Nguyễn Hoàng Mai

(Theo Outbreaknewstoday)

Tránh ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, cách gì?

Ngoài các ca ngộ độc cấp thuốc trừ sâu được đưa vào bệnh viện có chẩn đoán rõ ràng, còn số lượng những người bị ảnh hưởng nhẹ hơn hoặc mạn tính thông qua con đường... ăn uống hàng ngày những loại rau củ quả bị nhiễm thuốc trừ sâu là bao nhiêu? Câu trả lời có thể là rất lớn!

Trong nông nghiệp, việc sử dụng các hóa chất trừ sâu, diệt cỏ là cần thiết nhằm bảo vệ mùa màng, tăng năng suất cây trồng. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc trừ sâu đang được dùng trong nông nghiệp như nhóm thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, nhóm thuốc trừ sâu clo hữu cơ, nhóm thuốc trừ sâu loại carbamat, nhóm thuốc trừ sâu pyrethroid, các nhóm thuốc trừ sâu khác như nereistoxin, parathion... Nhiều loại trong số này trên thế giới hiện nay đã cấm dùng do quá nguy hiểm tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường nhưng ở nước ta vẫn được lén lút sử dụng.

Chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.

Tại sao ngộ độc?

Nguyên nhân của ngộ độc thuốc trừ sâu chủ yếu là do tự tử (khoảng 95%). Số còn lại là do ăn phải rau quả có hàm lượng thuốc tồn dư quá lớn (do rau quả vừa được phun thuốc xong đã được thu hoạch ngay), do uống nhầm, bị đầu độc... Cá biệt cũng có trường hợp ngộ độc cấp do tiếp xúc trực tiếp khi người lao động phun thuốc trừ sâu mà không đảm bảo các qui định về an toàn lao động. Điều đáng lưu ý là những trường hợp ngộ độc cấp do ăn uống, do công tác bảo hộ lao động kém đều chưa có thống kê đầy đủ vì triệu chứng nhẹ dễ bị bỏ qua hoặc bị nhầm với các loại bệnh lý khác. Dần dần, có thể với một lượng thuốc trừ sâu tuy nhỏ nhưng vào cơ thể từ từ, liên tục trong một thời gian dài sẽ gây ngộ độc mạn hoặc những hệ lụy tệ hơn cho cơ thể. Ngộ độc cấp nặng có thể chỉ ảnh hưởng đến một số ít người “chán sống” nhưng ngộ độc mạn thì có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội!

Những biểu hiện muôn hình vạn trạng khi bị ngộ độc

Biểu hiện của ngộ độc thuốc trừ sâu rất phong phú và đa dạng. Các biểu hiện này phụ thuộc liều lượng, thời gian thuốc vào cơ thể, phụ thuộc chủng loại thuốc, độc tính của thuốc với con người mạnh hay yếu. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh 10 - 20 phút sau khi bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa. Biểu hiện của nhóm thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ chủ yếu là các triệu chứng thích hệ thần kinh phó giao cảm, gây co đồng tử (có khi co nhỏ như đầu đinh), tăng tiết (vã mồ hôi, nhiều nước bọt), tăng co bóp ruột: đau bụng, nôn mửa, co thắt phế quản: tím tái, phù phổi, có thể liệt hô hấp, tụt huyết áp, giật cơ, co cơ, rối loạn phối hợp vận động, hoa mắt, chóng mặt, run, nói khó, nhìn lóa, nặng thì hôn mê. Các biểu hiện ngộ độc cấp thuốc trừ sâu loại carbamat tương tự như ngộ độc phospho hữu cơ nhưng mức độ nhẹ hơn. Ngộ độc thuốc trừ sâu loại clo hữu cơ thường có đau bụng, nôn mửa, co giật, liệt cơ hô hấp. Ngộ độc thuốc trừ sâu loại pyrethroid cũng có các biểu hiện về đường tiêu hóa (nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa) và các biểu hiện thần kinh như đau đầu, co giật, hôn mê nếu ngộ độc nặng. Ngộ độc nereistoxin có triệu chứng rất nặng nề về đường tiêu hoá: đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể nôn ra máu và tiêu ra máu dữ dội dẫn đến truỵ mạch, tụt huyết áp (sốc giảm thể tích), tim mạch: tụt huyết áp: thường sớm và nặng nề do phối hợp cả giảm thể tích tuần hoàn, giãn mạch và nhiễm toan. Có thể thấy rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh xoang, rung thất, xoắn đỉnh), suy tim, phù phổi cấp, hô hấp: tình trạng nhiễm toan thở nhanh sâu, suy hô hấp, liệt cơ, sặc phổi, thần kinh: co giật giống kiểu động kinh, sau đó là liệt cơ, hôn mê. Tuy nhiên, các biểu hiện nói trên có thể không điển hình ở những thể ngộ độc cấp nhẹ hoặc ngộ độc mạn tính: người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, đau đầu, giảm trí nhớ, mất tập trung, ăn uống kém, mất ngủ... và dễ bị quy cho là suy nhược cơ thể, trầm cảm...

Phun thuốc trừ sâu không đảm bảo các qui định về an toàn lao động, có trường hợp người lao động bị ngộ độc cấp.

Tránh ngộ độc thuốc trừ sâu thế nào?

Ngộ độc thuốc trừ sâu cấp và mạn hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp như tuyên truyền giáo dục cho mọi người, nhất là bà con nông dân, những người thường xuyên phải sử dụng thuốc trừ sâu về độc tính của thuốc và các biểu hiện của ngộ độc thuốc. Hướng dẫn cho bà con biết về thời gian thu hoạch rau quả an toàn sau khi phun thuốc. Giải quyết tốt các nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tự tử bằng thuốc trừ sâu, đặc biệt là các liệu pháp điều trị tâm lý cho bệnh nhân (ngộ độc do uống thuốc trừ sâu tự tử) sau khi xuất viện, tái hòa nhập cộng đồng. Thêm nữa, cũng phải kể đến các biện pháp thuộc về các cơ quan chức năng như tăng cường quản lý các hóa chất trừ sâu, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để các loại rau quả, thực phẩm còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu không được đưa ra thị trường. Xử phạt thật nghiêm những cá nhân, tập thể vì lợi nhuận mà vi phạm các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm...

TS.BS. Vũ Đức Định

Quả mâm xôi giúp dự phòng các bệnh lý tim mạch

Ngoài ra bổ sung trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày còn giảm nguy cơ mắc một số bệnh, đặc biệt quả mâm xôi, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Hàn Quốc cho thấy việc bổ sung thêm các chất chiết (nước ép) của quả mâm xôi đen có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa (rối loạn liên quan đến ít nhất ba dấu hiệu: béo bụng, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, kháng insulin hoặc không dung nạp glucose ...) và vì vậy làm giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch.

Công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí “Journal of Medicinal Food”. Họ tiến hành so sánh dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa của hai nhóm tình nguyện viên trong hai tuần. Một nhóm dùng hàng ngày 750 mg dịch chiết của quả mâm xôi, nhóm còn lại dùng placebo (giả dược).

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm dùng bổ sung thêm quả mâm xôi có trị số huyết áp giảm, thành động mạch mềm mại hơn và những tế bào giúp sửa chữa những động mạch bị tổn thương lưu thông nhiều, tốt hơn trong cơ thể.

Quả mâm xôi rất giàu flavonoid và chất chống oxy hóa. Dâu tây, mâm xôi, nho và quả việt quất…là những loại trái cây giàu flavonoid. Quả mâm xôi đặc biệt quả mâm xôi đen giúp dự phòng các bệnh lý tim mạch. Quả mâm xôi rất giàu vitamin C, ngoài ra rất giàu chất sắt (0,7 mg mỗi 100 g). Quả mâm xôi là nguồn cung cấp tuyệt vời các khoáng chất: kali, magiê, canxi. Hàm lượng chất xơ cao là phương thuốc “thiên nhiên” rất hiệu quả giúp tăng nhu động ruột.

Ngoài ra, khoa học cũng đã chứng minh cho thấy quả mâm xôi có tác dụng dự phòng ung thư, tác dụng chống viêm, dự phòng nguy cơ các bệnh lý tim mạch, các rối loạn chuyển hóa….

Bs Ái Thủy

(Theo TopSante)

Các loại bệnh trầm cảm thường gặp

Đặc điểm và nguyên nhân trầm cảm

Thời gian gần đây, số người bị bệnh trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên như: bị sang chấn tâm lý mạnh gọi là sốc xúc cảm hoặc căng thẳng tâm lý gọi là stress tuy không mạnh nhưng kéo dài. Sang chấn tâm lý thường hay gặp nhất, yếu tố tâm lý quan trọng đến mức có thể tạo cơ sở để tách ra thành một thể bệnh riêng gọi là trầm cảm phản ứng; sốc xúc cảm cũng do hiện tượng quá vui hoặc quá sung sướng tạo nên các cơn trầm cảm. Các yếu tố tâm lý xã hội, các trường hợp khó thích nghi với môi trường khác lạ, có hoàn cảnh sống cô đơn, sống biệt lập với người thân; các yếu tố nội sinh trong các bệnh loạn thần hưng trầm cảm, tâm thần phân liệt, trầm cảm thoái triển... đều có thể gây nên hiện tượng trầm cảm. Đồng thời, thể tạng người có loại hình sinh học kiểu người mập mạp có liên quan đến trầm cảm chu kỳ; yếu tố di truyền cũng có tác động ảnh hưởng lớn đến một số thể bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở độ tuổi trên 50. Ngoài ra, trạng thái trầm cảm còn là biểu hiện triệu chứng của nhiều bệnh ở não như: nhiễm khuẩn trong sọ não, liệt toàn thể tiến triển, chấn thương sọ não, xơ mạch máu não...; các bệnh toàn thân làm thay đổi sinh lý hay làm suy nhược cơ thể gồm lao, ung thư, bệnh về máu, rối loạn nội tiết, nhiễm độc, tự nhiễm độc... và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Ảnh minh họa

Các loại trầm cảm thường gặp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm thường có nhiều loại khác nhau như: trầm cảm nặng, trầm cảm nhẹ, trầm cảm xuất hiện từng giai đoạn, trầm cảm tái diễn, trầm cảm nặng và tái diễn, trầm cảm mức độ nhẹ liên tục, trầm cảm di chứng của rối loạn khí sắc trầm cảm, rối loạn phân liệt cảm xúc.

Trầm cảm nặng: xuất hiện đơn độc, suốt đời chỉ có một cơn, trước đây loại trầm cảm này được gọi là hiện tượng trầm uất, trầm cảm kích động, có biểu hiện như đặc điểm trầm cảm đã nêu ở trên. Bệnh lý trầm cảm kéo dài trên 2 tuần, gây sự đau buồn, trở ngại đối với hoạt động hàng ngày.

Trầm cảm nhẹ: xuất hiện đơn độc, khác với trầm cảm nặng xuất hiện đơn độc về mức độ, không gây nên sự đau buồn và trở ngại đối với hoạt động hàng ngày, thường kéo dài ít nhất 2 tuần; không có hiện tượng hoang tưởng, ảo giác.

Trầm cảm xuất hiện từng giai đoạn: tái diễn nhiều đợt và có thể xen kẽ với giai đoạn hưng cảm. Giữa các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm là thời kỳ khí sắc bình ổn hoàn toàn. Loại trầm cảm này còn được gọi là bệnh loạn thần hưng trầm cảm. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam nữ gần như nhau, sau tuổi trung niên thì giai đoạn trầm cảm thường xuất hiện nhiều hơn giai đoạn hưng cảm và kéo dài hơn.

Trầm cảm tái diễn: biểu hiện giống như loại trầm cảm nặng và trầm cảm nhẹ đã nêu trên nhưng không xuất hiện đơn độc mà tái diễn nhiều đợt trong đời người. Giai đoạn trầm cảm kéo dài từ 3 - 12 tháng, trung bình 6 tháng. Bệnh thường khởi phát chậm, thường gặp ở độ tuổi từ 50. Phần lớn bệnh được phục hồi hoàn toàn và tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm loại này ở nữ ghi nhận gấp đôi nam.

Trầm cảm nặng và tái diễn: gần giống như các bệnh trước kia gọi là trầm cảm, trầm uất, loạn thần hưng trầm cảm, trầm cảm sinh thể, trầm cảm nội sinh. Trong đời, con người ít nhất thường có hai giai đoạn trầm cảm nặng hay nhẹ tái diễn, mỗi giai đoạn thường kéo dài trên 2 tuần, giữa hai giai đoạn trầm cảm phải có một thời kỳ lành bệnh ít nhất 6 tháng.

Trầm cảm mức độ nhẹ: liên tục biểu hiện, đơn độc nhưng kéo dài, có khi gần hết tuổi thanh niên, gây nên sự đau buồn và trở ngại cho sinh hoạt lao động, làm việc và học tập của người bệnh. Bệnh có thể nặng lên và tiến triển như rối loạn trầm cảm tái diễn hay xen kẽ với các giai đoạn hưng cảm. Nếu các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau được gọi là khí sắc tuần hoàn; nếu mức độ khí sắc trầm, nhẹ, kéo dài thì gọi là loạn khí sắc.

Trầm cảm di chứng của các rối loạn khí sắc trầm cảm: biểu hiện đơn độc hoặc tái diễn nhưng mức độ nhẹ, không kéo dài gồm các trạng thái hỗn hợp trầm cảm và hưng cảm, trầm cảm ẩn, rối loạn xúc cảm khác không liên quan đến nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn nội tiết hay rối loạn tâm thần thực tổn.

Phân liệt cảm xúc: biểu hiện các triệu chứng phân liệt và triệu chứng cảm xúc xuất hiện đồng thời, nổi bật như nhau; lưu ý thể trầm cảm xuất hiện sau cơn loạn thần cấp tính của bệnh tâm thần phân liệt không xếp vào loại trầm cảm này. Các triệu chứng trầm cảm biểu hiện như đã nêu ở trên. Các triệu chứng phân liệt ở bệnh nhân biểu hiện ý nghĩ vang lên thành tiếng nói ở trong đầu, bị những lực lượng xa lạ nào đó điều khiển, mưu hại; nghe thấy những tiếng nói gièm pha, buộc tội mà thực tế không có... Phần lớn bệnh nhân được phục hồi hoàn toàn sau điều trị, một số ít trường hợp tiến triển thành thiếu sót phân liệt như thờ ơ với ngoại cảnh, có hành vi kỳ dị...

Các thể lâm sàng của trầm cảm

Theo các nhà khoa học, rối loạn trầm cảm là hiện tượng xảy ra rất phúc tạp và rất đa dạng. Các thể lâm sàng trầm cảm thường gặp là: trầm cảm nội sinh, trầm cảm tâm sinh, trầm cảm triệu chứng.

Trầm cảm nội sinh: thể trầm cảm này có thời kỳ đầu tiến triển từ vài tuần đến vài tháng với các hiện tượng mất ngủ, mệt mỏi, giảm khí sắc, lo lắng đến sức khỏe và tương lai; thời kỳ toàn phát có 3 triệu chứng đặc trưng là ức chế cảm xúc, ức chế tư duy và ức chế vận động. Trầm cảm nội sinh có đặc điểm là biểu biện nặng lên vào buổi sáng và nhẹ đi về buổi tối, tiến triển thường xuất hiện từng giai đoạn, giữa các giai đoạn khí sắc bình ổn hoàn toàn, không làm biến đổi nhân cách và không đi đến sa sút tâm thần. Ngoài thể lâm sàng điển hình đã nêu trên, còn có các thể lâm sàng không điển hình được ghi nhận như: trầm cảm sững sờ, trầm cảm kích động, trầm cảm nghi bệnh, trầm cảm ám ảnh, trầm cảm hoang tưởng, trầm cảm ẩn, trầm cảm ở trẻ em...

Trầm cảm tâm sinh: đây là thể trầm cảm có trạng thái phản ứng của một nhân cách yếu đối với một môi trường sống không thuận lợi. Đặc điểm biểu hiện lâm sàng không sâu sắc như trầm cảm nội sinh, bệnh nhân ít có ý tưởng bị buộc tội, chúng mang sắc thái loạn cảm như cơn khóc, cơn than vãn về nỗi khó khăn, nỗi bất hạnh, cho rằng mình là nạn nhân. Thể trầm cảm này gồm 2 nhóm chính không đồng nhất là trầm cảm phản ứng và trầm cảm tâm căn. Trầm cảm phản ứng là một thể của loạn thần phản ứng với một hoạt động tâm thần có thể làm rối loạn đến mức mất tính toàn vẹn, tính thống nhất; có những rối loạn về hoạt động nhận thức, ý thức, tiếp xúc, hành vi. Trầm cảm tâm căn có triệu chứng của bệnh tâm căn như khí sắc trầm, giảm hứng thú, dễ cảm động; lo lắng về bệnh tật, về những điều không may có thể xảy ra.

Trầm cảm triệu chứng: có đặc điểm lâm sàng từ nhẹ đến nặng, chúng tồn tại trong một giai đoạn hay kéo dài trong quá trình bệnh tiến triển. Trầm cảm diễn biến tùy theo sự tiến triển của bệnh chính, cường độ của tác nhân gây hại và sức phản ứng của cơ thể. Các hội chứng có thể gặp là hội chứng trầm cảm paranoid và hội chứng trầm cảm không điển hình. Hội chứng trầm cảm paranoid có các triệu chứng buồn rầu, sợ hãi, kích động, lo âu, ảo tưởng lời nói, hoang tưởng bị tội; có thể kèm theo rối loạn ý thức, mê sảng, lú lẫn, kích động giống động kinh và thường tăng lên về đêm. Hội chứng trầm cảm không điển hình có các triệu chứng kích động lo âu như than khóc kèm theo các ý tưởng nghi bệnh, loạn cảm giác bản thể như khó chịu ở những vùng khác nhau. Trầm cảm triệu chứng có thể gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh cúm, các bệnh thực tổn của não như xơ vữa động mạch não, các bệnh nội tiết như bệnh Cushing và ngay trong cả quá trình điều trị với loại thuốc steroide.

Phòng bệnhNhư vậy rối loạn trầm cảm trên thực tế có nhiều loại khác nhau khá phong phú và đa dạng; chính ngay cả bản thân người bệnh và người thân có thể không biết hoặc không để ý đến. Dù mắc loại bệnh trầm cảm nào nhưng trong cơn trầm cảm bột phát sẽ dẫn đến một hệ lụy khá tồi tệ là bệnh nhân có thể có hành vi tự sát hoặc giết chết người thân rồi tự sát. Vì vậy, việc phòng bệnh trầm cảm là một vấn đề quan trọng cần được lưu ý hiện nay do bệnh ngày càng có xu hướng phát triển trong xã hội hiện đại. Phòng bệnh rối loạn trầm cảm chủ yếu là chú trọng đến việc giáo dục nhân cách trẻ em từ khi còn nhỏ để sau này lớn lên có được các phẩm chất hòa nhập dễ dàng với cuộc sống, nghề nghiệp xã hội; đồng thời có khả năng thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh bất lợi luôn luôn có thể xảy ra. Cần tổ chức lao động, làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý; tránh tình trạng căng thẳng về cảm xúc và các sang chấn tâm lý; phát hiện và điều trị sớm các bệnh của cơ thể. Ngoài ra, khuyến khích thực hiện cuộc sống với mẫu gia đình có cả ba thế hệ cùng sinh sống. Cần quan tâm chăm sóc trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt là người tàn tật và người già cô đơn không nơi nương tựa…

Mẫu gia đình có cả ba thế hệ cùng sinh sống giúp phòng bệnh trầm cảm

BS. NGUYỄN VÕ HINH

Phòng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Chăm sóc trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ Ở lứa tuổi này, trẻ từ khi được bú mẹ đến lúc cai sữa mẹ và ăn bữa ăn của người lớn ở các nước thường có tỉ ...